Hỏi đáp

1. Ăn uống thế nào khi nhổ răng?

Trả lời: Điều bạn quan tâm rất cần thiết bởi vì chế độ dinh dưỡng hợp lý trong lúc đang đau răng, hay trong những ngày nhổ răng sẽ giúp bạn mau lành. Nếu bạn phải nhổ răng thì trước khi nhổ nên uống vài cốc sữa đậu nành trong ngày để góp phần hạn chế chảy máu và chóng lành vết thương. Sau khi nhổ răng, nếu có điều kiện bạn nên ăn uống như sau: Uống nước ép dâu tây bởi dâu có hoạt chất trợ lực cho thuốc giảm đau có tác dụng tương tự thuốc aspirin; Sau đó uống tiếp sữa đậu nành vài cốc để giúp máu chóng đông và chất đạm lecithin trong đậu nành giúp vết thương mau khỏi. Ăn sữa chua giúp tăng tác dụng của kháng sinh chống nhiễm khuẩn nhờ có acidobacillus trong sữa, nhưng lưu ý đừng ăn lạnh quá; Ăn khoai lang, đu đủ, cà rốt... để cung cấp vitamin A, cần thiết cho sự phục hồi của răng, nướu và vết thương. Những bữa đầu saukhi nhổ răng bạn nên ăn cháo để hàm răng đỡ phải làm việc và dễ tiêu hóa. Tuy nhiên bạn cũng cần kiêng một số thức ăn như: các món ngọt, kể cả mật ong; các loại nước uống có ga và đá lạnh; các món chua như chanh, cam, quýt, bưởi và rượu, bia.

2. Vì sao phải niềng răng?

Trả lời: Trong thư, bạn không nói răng của con bạn có bị hô không, răng có bị chật hàm, răng mọc không đều hay không... Vì nếu con bạn có dấu hiệu như trên thì các nha sĩ thường đề nghị mang niềng răng để bảo vệ răng con bạn sau này giúp cho răng khỏe đồng thời miệng và mặt của cháu cũng sẽ đẹp hơn. Lứa tuổi nên mang niềng thường được nha sĩ chỉ định là 10-14 tuổi vì lúc này đầu răng và miệng còn phát triển dễ làm thẳng hàm răng hơn. Người lớn cũng có thể niềng răng vì nhu cầu làm đẹp. Có ba loại niềng răng: Loại phổ biến nhất là các móc niềng nhỏ bằng kim loại hoặc nhựa dính liền với răng và ít thấy. Loại niềng răng “lưỡi” dính liền với phần trong của răng, không thấy được. Loại truyền thống là các nẹp kim loại bọc quanh răng và che hầu hết các răng. Tất cả các loại niềng răng dùng dây thép để dịch chuyển răng đến vị trí mong muốn. Thời gian mang niềng răng thường từ 18-30 tháng (tùy vào kế hoạch điều trị). Trong thời gian mang niềng răng cần tránh ăn đồ ngọt, thức ăn cứng... vì rất có thể chúng sẽ làm đứt niềng răng. Vệ sinh răng miệng là việc làm quan trọng: hãy đánh răng kỹ và đúng, khi ăn xong nên dành thời gian để xỉa giữa niềng răng và dây thép để bảo vệ lợi và răng được khỏe mạnh.

3. Tẩy trắng răng có hại gì không?

Trả lời: Việc tẩy trắng răng hiện nay là nhu cầu thẩm mỹ cần thiết, nhất là đối với chị em. Thế nhưng việc tẩy răng được thực hiện tràn lan tại các phòng nha tư nhân - thiếu trang thiết bị, tay nghề kém, rồi bệnh nhân tự mua thuốc về tẩy... để lại nhiều hậu quả khôn lường, đó là gãy cổ chân răng, viêm tủy, bỏng lợi... Không phải ai cũng có thể tẩy trắng răng được. Các nha sĩ khuyên những người có cổ chân răng bị mòn, thiểu sản men răng, răng sâu quá nhiều, phụ nữ có thai, người mắc bệnh đái tháo đường, trẻ dưới 18 tuổi không nên tẩy trắng răng. Chỉ có thể thực hiện phương pháp trên cho những người răng không bị hỏng, sâu, vỡ nhiều hoặc có các mảng trám trên răng. Hiệu quả của việc răng trắng hay không phụ thuộc rất nhiều vào bệnh nhân, vào men răng của từng người. Nếu bạn muốn tẩy trắng răng, nhất thiết phải tới các bệnh viện, các trung tâm có phòng khám chuyên khoa răng - hàm - mặt để được nha sĩ khám, tư vấn đưa ra lời khuyên nên hay không nên tẩy trắng răng.

4. Tẩy trắng răng - Cách duy trì màu răng sau khi tẩy trắng!

Trả lời: Kết quả của điều trị tẩy trắng răng không bao giờ là vĩnh viễn. Các lưu ý sau đây sẽ giúp bạn duy trì màu răng lâu hơn: Hạn chế các thức ăn, uống sậm màu, sử dụng ống hút khi uống nước sẽ tránh được các chất màu tiếp xúc trực tiếp với các răng cửa. Chải răng, súc miệng ngay lập tức sau khi ăn, uống thực phẩm có màu.

Vệ sinh răng miệng: chải răng ít nhất 2 lần/ ngày, dùng chỉ tơ nha khoa 1lần/ ngày. Sử dụng kem đánh răng làm trắng răng chỉ 1-2 lần/tuần để lấy đi các chất nhiễm màu trên bề mặt răng, thời gian còn lại dùng kem đánh răng thường có Fluoride. Khám răng định kỳ 6 tháng-1năm/lần để Bác sỹ kiểm tra tổng quát và đánh giá màu răng, nếu cần có thể đeo duy trì. Nếu bạn ăn uống nhiều chất màu hoặc hút thuốc nên tẩy trắng răng định kỳ thường xuyên hơn.

Bản chất răng dù không tẩy trắng cũng sẽ vàng theo thời gian do tuổi tác và chế độ ăn uống.

5. Ai mất răng cũng có thể cấy ghép được răng implant?

Trả lời: Hầu như ai mất răng cũng có thể làm Implant được. Tuy nhiên, cũng có một số ít yếu tố ảnh hưởng đến chỉ định và thành công của Cấy ghép răng. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ chuyên khoa sẽ khám trực tiếp mới có thể đánh giá và chỉ định chính xác.

6. Răng tôi bị gẫy văng ra ngoài, tôi có cần đi gặp nha sĩ ngay không?

Trả lời: Cần, ngay lập tức. Đến gặp nha sĩ trong vòng 30 phút kể từ lúc tai nạn xảy ra có ý nghĩa quyết định trong việc cái răng đó còn có thể cứu vãn được không!!!

Khi răng văng ra, cần làm những việc sau:

  1. Gọi điện đến nha sĩ cho 1 cuộc hẹn khẩn cấp
  2. Cầm chiếc răng ở phần đầu, không được chạm vào phần chân răng để tránh huỷ hoại các tế bào ở bề mặt chân răng, những tế bào này cần thiết cho việc nối lại liên kết với xương.
  3. Nhẹ nhàng dùng nước rửa trôi đất cát bám vào răng.
  4. Đặt chiếc răng vào trong miệng, giữa má và lợi để giữ cho răng có độ ẩm.

Nếu không thể giữ răng trong miệng được thì nhẹ nhàng quấn vào 1 miếng vải mềm, ngâm trong sữa tươi và đến gặp nha sĩ ngay lập tức.

Nha sĩ sẽ gắn chiếc răng trở lại vị trí cũ, cố định nó để có thể liền lại với xương xung quanh.

7. Con trai tôi vô tình va vào cánh cửa. Khi đó, không có gì đáng lo ngại xảy ra với răng của cháu. Nhưng bây giờ 1 cái răng cửa có vẻ như có màu xám, đen hơn những cái răng khác. Có gì đáng lo không?

Trả lời: Răng bị chấn thương có thể chết, tuỷ ở bên trong bị hoại tử và làm cho răng trở nên tối màu. Vào thời điểm này do răng của con bạn là răng vĩnh cửu nên cần điều trị nội nha (hàn ống chân răng). Màu của răng có thể được cải thiện bằng phương pháp tẩy màu.

8. Trong lúc ăn, tôi nhai phải một viên sạn và 1 cái răng hàm của tôi bị gẫy. Tôi nên làm gì?

Trả lời: Nếu bạn không bị đau thì có thể liên lạc với nha sĩ để có một cuộc hẹn, để nha sĩ có thể kiểm tra kĩ lưỡng, xác định xem cần phải làm những gì. Trong khi chờ đợi thì nên giữ vệ sinh chiếc răng đó thật tốt.

Nếu bạn thấy đau thì nên đến gặp nha sĩ ngay khi có thể.