Nội nha là gì?
Mỗi răng trên cung hàm có một hệ thống mạch máu và thần kinh giúp nuôi dưỡng và dẫn truyền cảm giác kích thích từ bên ngoài. Hệ thống mạch máu và thần kinh này gọi là tuỷ răng, có cấu trúc phức tạp và thay đổi trên từng răng, từng cá nhân và độ tuổi…
Tuỷ răng có thể bị tổn thương không thể hồi phục do nhiều nguyên nhân như sự xâm nhập của vi khuẩn (do sâu răng, viêm nha chu v.v), chấn thương (cơ học, nhiệt độ…)…Lúc đó răng cần được điều trị nội nha.
Có một số kỹ thuật nội nha và vật liệu,dụng cụ khác nhau nhưng cơ bản mục đích cuối cùng:
-Sửa soạn ống tủy:lấy sạch tủy bị tổn thương,bơm rửa loại bỏ vi khuẩn...
-Trám bít hệ thống ống tủy:ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn,loại bỏ viêm nhiễm..
Do tính chất phức tạp của hệ thống ống tuỷ, một răng chữa tuỷ có thể do bác sĩ nha khoa tổng quát thực hiện hoặc phải chuyển đến chuyên gia nội nha.
Quy trình nội nha
1-Khám, chụp phim chẩn đoán
Bệnh nhân nào lần đầu tiên đến nha khoa đều cần được khám và chụp phim kiểm tra răng miệng tổng quát. Nếu phát hiện hay nghi ngờ có răng cần phải điều trị nội nha, bác sĩ sẽ chỉ định chụp phim thêm tại vùng răng đó để đánh giá chính xác hơn mức độ tổn thương và độ khó của răng cần chữa tuỷ.Bệnh nhân sẽ được thông báo về tình trạng răng miệng của họ, kế hoạch điều trị, thời gian và chi phí cụ thể.
2-Gây tê lấy tuỷ
Bác sĩ cần xem bệnh sử y khoa của bệnh nhân hoặc hỏi bệnh nhân để biết:có dị ứng thuốc tê hay không?cao huyết áp,tiểu đường?có thai?(nữ)...để lựa chọn thuốc tê hoặc có hướng điều trị phù hợp.
Nếu bệnh nhân không đau-như trong trường hợp tuỷ đã chết lâu ngày, răng không còn cảm giác- thì sẽ không cần phải gây tê. Gây tê nhằm mục đích tạo sự thoải mái cho bệnh nhân và bác sĩ khi điều trị.
3- Đặt đê cao su
Đê cao su là một miếng cao su được đặt ôm sát vào răng chữa tuỷ, là phương tiện cách ly hữu hiệu trong điều trị nội nha:răng điều trị nội nha phải được cô lập khỏi nước bọt là nguồn chứa vi khuẩn trong miệng, đảm bảo cho răng được nội nha trong môi trường khô, sạch và sự an toàn trong quá trình điều trị nội nha.
4- Mở tuỷ
Bác sĩ sử dụng mũi khoan để mở đường vào tuỷ răng. Đường vào này:phải vừa đủ rộng để có thể lấy sạch tuỷ răng trong toàn bộ hệ thống ống tuỷ và dễ dàng trám kín ống tuỷ sau này,nếu quá rộng sẽ suy yếu mô răng còn lại (răng dễ vỡ,dễ tét hơn)
Dùng mũi khoan mở tuỷ
5-Làm sạch và tạo hình ống tuỷ
Bác sĩ sử dụng dụng cụ bằng tay hay bằng máy chuyên biệt -gọi là trâm nội nha tay hay trâm nội nha máy- để nạo sạch các vụn tủy còn sót,vi khuẩn và dũa thuôn rộng ống tủy giúp việc trám bít sau này được thực hiện dễ dàng và chuẩn xác.
Để đảm bảo cho toàn bộ hệ thống ống tuỷ được làm sạch, cần phải chụp các phim đo chiều dài chân răng hay sử dụng máy định vị chóp. Theo đó bác sĩ sẽ phải làm sạch, tạo hình tới đúng chiều dài chân răng, đảm bảo không còn mô tuỷ hay vi khuẩn còn sót lại trong ống tuỷ.
Tạo hình ống tuỷ bằng trâm tay
Quá trình nội nha có thể kết thúc trong một lần hẹn hoặc nhiều lần hẹn,tùy độ phức tạp và số lượng ống tủy, đặc biệt với những ống tủy cong nhiều, hẹp hay phân nhánh.Giữa các lần hẹn răng đang nội nha sẽ được đặt thuốc sát khuẩn, trám tạm lại để thức ăn không chui vào răng gây thêm nhiễm trùng,có thể có toa thuốc nếu cần thiết.
Khi các triệu chứng lâm sàng đã ổn định,bác sĩ sẽ sang giai đoạn trám bít ống tủy.
6-Trám bít ống tuỷ
Là bước cuối cùng của điều trị nội nha.
Sau khi đã làm sạch hoàn toàn hệ thống ống tuỷ và bệnh nhân hết các triệu chứng đau nhức, viêm nhiễm…, bác sĩ sẽ đánh giá lại xem có thể trám bít ống tuỷ được hay chưa? Quá trình trám bít ống tuỷ là sử dụng xi măng và vật liệu trám bít ống tuỷ (như côn gutta percha) kết hợp với các dụng cụ bằng tay để bít kín toàn bộ hệ thống ống tuỷ, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn. Sau trám bít cần chụp phim kiểm tra lại việc trám bít đã tốt hay chưa?
Sau điều trị nội nha răng có thể nhạy cảm,ê buốt nhẹ,thường cảm giác đau,sưng giảm rõ rệt.
Nếu có đau dữ dội,hãy đến ngay nha sĩ của bạn.
Răng sau nội nha có thể sẽ được trám hay phải bọc mão, tái tạo cùi răng tuỳ thuộc vào mức độ mất chất của răng và đánh giá của bác sĩ trên lâm sàng.